Hiện nay việc "mọc" lên hoàng loạt các khu đô thị trên khắp cả nước đã mang lại nhiều cơ hội cho khách hàng, nhờ vậy, thị trường bất động sản đã có nhiều sự lựa chọn hơn, cơ hội cho người tiêu dùng cũng mở ra nhiều hơn nhưng điều đó cũng đòi hỏi khách hàng phải là những người tiêu dùng thông thái vì mỗi nhà đầu tư chiến lược đều xuất phát từ nhiều "chiến lược" bán hàng và lợi ích khác nhau.
Những "thành phố xanh" theo lời giới thiệu "có cánh" của các chủ đầu tư luôn cuốn hút các khách hàng, tuy nhiên, định nghĩa này còn bao gồm nhiều ý nghĩa có lẽ không phải khách hàng nào cũng hình dung hết được:
Thứ nhất: Khu đô thị xanh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về giao thông, mật độ không gian (bố trí cây xanh, cảnh quan hồ bơi …), vị trí, nội thất, hệ thống xử lý nước thải ngầm … Tất cả phải đảm bảo yếu tố cảnh quan để đáp ứng tốt nhất nhu cầu hưởng thụ không gian sống thoải mái, tiện ích cho khách hàng.
Thứ hai: Điều lưu ý đối với khách hàng có nhu cầu sinh sống ở những khu đô thị là phải căn cứ vào nhu cầu thực sự khi đầu tư, bởi lẽ mỗi một căn hộ, mỗi một khu đô thị khác nhau bản thân "nó" trong đó đã bao hàm những giá trị sống khác nhau. Tôi ví dụ như nếu tôi là một tri thức trẻ, làm việc trong môi trường công nghệ, suốt ngày làm việc với máy móc, thiết bị … thì tôi sẽ có nhu cầu khác với những người làm kiến trúc, hoạt động nghệ thuật, bởi lẽ không gian sống của tôi sẽ cần hơn sự thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, hít thở khí trời sau những giờ làm việc căng thẳng bên máy móc. Còn những kiến trúc sư, những nhà hoạt động thiên về nghệ thuật sẽ cần không gian sống nghiêng về yếu tố độc, lạ …
Thứ ba: Một yếu tố không thể không cân nhắc đó là yếu tố giá cả. Phải khẳng định rằng không nhà chiến lược nào khi đầu tư lại không tính đến yếu tố lợi nhuận, tuy nhiên, theo tôi, yếu tố đó không phải là tất cả và với khách hàng, đó là sự cân bằng, tính toán hài hòa của nhiều yếu tố để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bản thân. Nếu là những khách hàng thông thái, bạn sẽ hiểu được đâu là lợi nhuận của nhà đầu tư và đâu là "lợi nhuận" của khách hàng khi có sự lựa chọn đúng đắn.
Thứ tư: phải kể đến cơ hội đến từ nhà đầu tư thông qua các chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Những doanh nghiệp có tiềm lực thực sự không cần kinh phí hỗ trợ từ nhà nước mà tôi nghĩ điều DN cần nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ từ địa phương đến trung ương. Ví dụ như trong công tác đến bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, các ban đền bù giải tỏa của tỉnh, thành phải kết hợp sát sao với chủ đầu tư và người dân để giải quyết kịp thời các vướng mắc của người dân, tránh tình trạng trì trệ, kéo dài gây hiểu lầm cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt đẹp của chính quyền, cũng như tạo tâm lý chây ì, hoang mang trong nhân dân. Hơn nữa, bất kỳ địa phương nào cũng vậy, khi quy hoạch các khu đô thị cần chú trọng đến yếu tố bền vững, cảnh quan, tính khả quan của dự án và "thiện chí" của nhà đầu tư ... Tránh tình trạng quy hoạch hàng loạt các khu đô thị, chung cư cao cấp rồi để đó, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Nguồn: Bùi Thiện Cảnh
(TGĐ Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng)
0 comments :
Đăng nhận xét